Tiếp nối thành công của Hành trình di sản năm học 2023-2024, ngày 27/02/2025, chuyến Hành trình di sản năm học 2024-2025 đưa các học bạn học sinh tiêu biểu của Tiểu học Kim Liên đến với những địa danh lịch sử trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, nơi địa linh nhân kiệt, lắng đọng hồn thiêng sông núi.

Điểm bắt đầu của hành trình là khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Kim Liên, đây là nơi mà nhân dân phường Kim Liên xây dựng để tưởng nhớ công ơn của Người. Nơi đây ghi lại dấu ấn của Bác khi 3 lần về thăm khu tập thể Kim Liên vào ngày 5-6-1960, 17-3-1963, và mùa hè năm 1965. Người căn dặn cán bộ và nhân dân: “Kim Liên là sen vàng, đã là hoa sen thì phải thơm, thơm mãi và thơm thật xa. Phải làm sao ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê…”


Chuyến xe hành trình di sản đưa các con học sinh Tiểu học Kim Liên đến với di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt: Gò Đống Đa – nơi ghi dấu chiến công vang dội nhất của nhân dân ta ở thế kỷ XVIII. Nơi đây ngày mồng 5 Tết Kỉ Dậu 1789, đội quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải Quang Trung đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lừng lẫy với một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” – Lời tuyên thệ trước ba quân tướng sĩ vẫn mãi là bản anh hùng ca bất diệt.



Điểm đến tiếp theo là Hoàng thành Thăng Long – biểu tượng của lịch sử-văn hóa Đại Việt qua nhiều thế kỷ. Đây là nơi triều đình quân chủ thời xưa bàn bạc, ban hành những quyết sách quan trọng của đất nước, nơi chứng kiến những thăng trầm qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nơi hội tụ những nét tinh hoa kiến trúc-mỹ thuật của dân tộc… Những công trình kiến trúc từ xa xưa; những dấu tích kiến trúc và những hiện vật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long là niềm tự hào vô giá của Thăng Long-Hà Nội nói riêng, của nước Việt Nam nói chung.





Điểm cuối của hành trình là Văn Miếu – Quốc Tử Giám – ngôi trường Đại học đầu tiên ở nước ta, nơi lưu giữ những dấu ấn về văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070 và Quốc Tử Giám được xây vào năm 1076, là những sự kiện quan trọng, đặt cơ sở ra đời nền giáo dục thi cử ở Việt Nam nói chung, giáo dục truyền thống hiếu học nói riêng. Nơi đây lưu giữ 82 bia Tiến sĩ của triều Lê và triều Mạc và đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Tại đây, nơi hội tụ và lan tỏa của bề dày lịch sử và chiều sâu văn hiến vượt qua thời gian với những giá trị nổi bật của chân – thiện – mỹ, của trí tuệ và tri thức của cả dân tộc văn hiến và anh hùng.




Hành trình di sản 2024-2025 là một chuyến đi vô cùng ý nghĩa, giúp các bạn học sinh nhà trường hiểu biết, thêm yêu và luôn muốn học tập, cống hiến cho thủ đô Hà Nội yêu dấu của mình
