Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin ngày 16/11/2019, trong một ngày, Chủ tịch Hà Nội hai lần ra công văn khiến thầy cô hoảng hốt.
Cụ thể, ngày 15/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gửi văn bản hỏa tốc số 5119/UBND-NC gửi Giám đốc các Sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.
Trong đó Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Tuy nhiên, ngay trong ngày 15/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục ra văn bản 5130/UBND – NC chỉ đạo tiếp tục Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã vào ngày 17/11/2019 theo đúng kế hoạch.
Sau đó, sẽ thực hiện tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 9028 CV/VPTW ngày 11/3/2019 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1480/VPCP – TCCV ngày 5/6/2019; của Bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/BNV – CCVC ngày 5/11/2019.
Thông tin này khiến nhiều giáo viên hợp đồng sáng mừng, chiều lo. Bởi lẽ, ngày 3/10/2019, ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã thông tin đến báo chí về kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục tại Hà Nội năm 2019.
Cụ thể: Chỉ tiêu tuyển dụng năm 2019 là 11.182 chỉ tiêu, trong đó giáo viên là 10.949 người, nhân viên là 233 người với hình thức thi tuyển. Tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 20.767 người, gần gấp đôi chỉ tiêu biên chế.
Điều giáo viên hợp đồng cảm thấy lo lắng: Nếu sau khi thành phố tổ chức thi tuyển, xét tuyển xong thì còn chỉ tiêu để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng hay không?
Trong khi đó nếu căn cứ theo văn bản 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ, thì cánh cửa xét đặc cách của nhiều giáo viên hợp đồng rất rộng mở vì không còn vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, trong văn bản 5378/BNV-CCVC: Bộ Nội vụ yêu cầu sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như vậy theo đúng công văn của Bộ Nội vụ thì việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng lâu năm phải diễn ra trước sau đó mới tổ chức thi, xét tuyển viên chức giáo dục.
Cách làm của Thành phố Hà Nội như hiện nay (thi, xét tuyển trước rồi mới xét đặc cách giáo viên hợp đồng) là trái với tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ.
Nhiều giáo viên đánh giá: Công văn của Bộ Nội vụ là một bước gỡ rối cho cả thành phố và cả giáo viên hợp đồng.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, thị xã Sơn Tây nói: “Công văn của Bộ Nội vụ rất nhân văn, hợp tình và hợp lý, đã gỡ rối cho cả thành phố Hà Nội và giáo viên hợp đồng.
Bởi trước đây Thành phố thường lấy lý do vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên theo văn bản mới đây của Bộ Nội vụ các tiêu chuẩn xét đặc cách không còn bị vướng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Nhiều tỉnh thành phố trên cả nước cũng đã có chỉ đạo xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng.
Tại Thủ đô chúng tôi cũng mong Thành phố có cơ chế xét đặc cách để giải quyết dứt điểm việc này và bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”.
Nói về 2 công văn của Thành phố Hà Nội trong cùng 1 ngày, thầy Tiến cảm thấy rất “lạ” vì sao lại có sự bất nhất như vậy?
Thầy Tiến nói: “Buổi sáng khi biết được Thành phố sẽ xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng chúng tôi rất vui mừng vì bao nhiêu ngày tháng đấu tranh đã có kết quả.
Tuy nhiên buổi chiều khi nhận được công văn thứ 2 ghi rõ vẫn tổ chức thi tuyển viên chức rồi mới xét tuyển đặc cách chúng tôi rất lo lắng.
Vì nếu thi xong thì không biết còn chỉ tiêu để xét đặc cách cho chúng tôi hay không?”.
Trước những lo lắng của giáo viên hợp đồng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có những giải thích cặn kẽ.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Văn bản số 5130 được ra sau khi ông làm việc với Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội, một số cơ quan liên quan và xét thấy việc tổ chức song song 2 hình thức tuyển sẽ có lợi cho đông đảo giáo viên hơn.
Mặt khác, một số giáo viên hợp đồng lâu năm tuy đủ các điều kiện để xét tuyển, nhưng tại trường có hợp đồng lại không có chỉ tiêu, nên nếu dừng kỳ thi lại thì các giáo viên này cũng sẽ thiệt thòi.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định việc tiếp tục kỳ thi không ảnh hưởng đến quyền lợi của các giáo viên lâu năm thuộc diện được xét tuyển đặc cách.
Kể cả với các giáo viên đã thi trượt kỳ thi viên chức nhưng đủ điều kiện thì cũng vẫn sẽ được xét tuyển đặc cách.
Không chỉ vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết vẫn sẽ thực hiện lời hứa của mình trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Hà Nội cũng đã dành ra 3.000 chỉ tiêu biên chế để xử lý những tồn đọng này. (1)
Như vậy với những lời giải thích của ông Nguyễn Đức Chung, gần 3000 giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội có thể yên tâm phần nào. Đặc biệt khi Thành phố Hà Nội cho biết sẽ dành ra 3000 chỉ tiêu để xử lý những tồn động này (giáo viên hợp đồng lâu năm).
Trong thời gian tới, dư luận xã hội và đặc biệt là giáo viên hợp đồng tại Hà Nội sẽ đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện lời hứa của Chủ tịch Thành phố Hà Nội về vấn đề trên.
Theo nguồn: