Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Xây dựng nền hành chính quốc gia nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.

Luật Thủ đô ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị – hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”. Một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.
Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024. Theo đó, cần phải: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố giữa chính quyền quận, thị xã thành phố thuộc thành phố với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân.