Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo thì ngày 9/4, thầy Nguyễn Kim Sơn đã có thư gửi các nhà giáo trên trên cả nước. Đọc lá thư của thầy Sơn, chúng tôi nhận thấy đó là cả tấm lòng, khát vọng và trách nhiệm của vị đứng đầu ngành…
Và, chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới đây thì giáo dục nước nhà sẽ được khởi sắc đúng nghĩa, dẹp bỏ được căn bệnh hình thức, thành tích ảo như hiện nay. Người thầy phải có vị thế một người thầy, trò phải có được chuẩn mực về đạo đức, có khát vọng và ý chí vươn lên.
Từ Ban giám hiệu đến Bộ trưởng biết lắng nghe, biết thấu cảm, sẻ chia công việc cùng đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp đứng lớp. Một khi trên dưới một lòng và có sự chung tay, ủng hộ của xã hội thì giáo dục nước nhà ắt sẽ khởi sắc.
Nếu không, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại như bây giờ…!
Bộ trưởng mong muốn gì trong lá thư của mình đối với nhà giáo “chúng ta”?
Khi đọc bức thư của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chúng tôi rất ấn tượng với từ “chúng ta” bởi thầy Sơn đã dùng từ này đến 23 lần trong lá thứ này mà rất ít khi dùng từ “tôi”.
… “Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn.
Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, để đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng.
Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, nhưng chúng ta có rất nhiều thuận lợi, thuận lợi là căn bản, toàn ngành đã làm được rất nhiều việc lớn trong những năm qua. Đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm.
Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức, tập hợp trí tuệ, đồng tâm hiệp lực để làm cho giáo dục ngày càng tốt lên, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ từ thực tiễn, giải những bài toán từ thực tiễn để chất lượng giáo dục ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay theo một định hướng mang tính chiến lược.
Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, cần giữ sự tôn nghiêm của nghề. Điều này cần nhiều phía và nhiều điều, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta.
Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta thêm tôn nghiêm.
Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng và năng lực của mình, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng.
Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta.
Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục dần nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến… niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo.
Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có lại vị thế xứng đáng trong xã hội.
Tôi có niềm tin không gì lay chuyển vào đội ngũ nhà giáo, giáo chức. Tôi tin các ngành, các lực lượng xã hội sẽ trân trọng và đồng hành, vốn đã vậy giờ vẫn sẽ thế. Đảng ta đã nhìn rõ tầm quan trọng, Chính phủ đang rất quyết tâm, Thủ tướng rất quyết liệt, các bộ ngành khác đều thấu tỏ và chia sẻ, do đó chắc chắn chúng ta làm được việc lớn.
Về phía cá nhân mình, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết tâm sức vì ngành và phát triển ngành. Rất mong toàn thể các nhà giáo, người lao động, nhà quản lý trong ngành và ngoài ngành chung sức và ủng hộ.
Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này. Trồng người vì trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt mai sau, nhưng ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây và lá xanh tươi.
Và, giáo viên “chúng tôi” mong muốn gì ở Bộ trưởng?
Đọc thư của thầy Bộ trưởng, mọi người có thể cảm nhận được sự trăn trở về ngành mà từ nay thầy Sơn sẽ đóng vai trò “đứng mũi chịu sào” trong những năm tới đây.
Vì thế, thầy Nguyễn Kim Sơn đã thể hiện trách nhiệm và mong muốn nhận được sự ủng hộ từ người trong ngành, ngoài ngành: “Về phía cá nhân mình, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết tâm sức vì ngành và phát triển ngành. Rất mong toàn thể các nhà giáo, người lao động, nhà quản lý trong ngành và ngoài ngành chung sức và ủng hộ”.
Đúng là nếu không có sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo, không có sự đồng cảm, sẻ chia của xã hội, không có động lực, ý chí vươn lên của học sinh thì đội ngũ nhà giáo sẽ đơn độc trong công việc “trồng người” của mình.
Bởi, yêu cầu về giáo dục ngày càng cao mà vị trí người thầy ngày càng bị thu hẹp lại.
Vì thế, chúng tôi- những nhà giáo sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà mong muốn cá nhân Bộ trưởng và lãnh đạo ngành cần có những chỉ đạo và thay đổi nhiều điều trong thời gian tới.
Thứ nhất: nhà giáo cần sự tôn trọng, cần môi trường làm việc trong sáng, đoàn kết, được tự chủ trong giảng dạy, họ có thể được tự do sáng tạo, không phải cái gì cũng gò ép vào một khuôn mẫu cứng nhắc từ giáo án, hồ sơ sổ sách và ngay cả các hoạt động trên lớp cũng phải tuần tự từng bước một cách cứng nhắc như hiện nay.
Nhà giáo cần có một vị thế khi giảng dạy và quản lý học trò. Họ có quyền được xử lý nghiêm minh khi có học sinh hỗn láo, được phép cho học sinh điểm đúng với năng lực học tập của học trò.
Thứ hai: đồng lương ít ỏi của giáo viên không phải chia năm, sẻ bảy như một số địa phương, nhà trường đang làm. Không phải muốn là ra kế hoạch trừ ngang, trừ định kỳ hàng tháng như hiện nay.
Thứ ba: Bộ cần có một kế hoạch dài hơi, không manh mún, không tùy hứng và cũng không thụ động như thời gian qua. Chỉ mỗi chuyện giáo án của giáo viên mà một năm hướng dẫn thay đổi đến mấy lần thì giáo viên chúng tôi…đuối lắm.
Bộ trưởng cần có chỉ đạo cho Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục Trung học xem nếu giáo án mà yêu cầu soạn theo Công 5512/BGDĐT-GDTrH thì có phải đang gây áp lực cho giáo viên hay không?
Các thầy trước khi làm lãnh đạo Bộ cũng từng là giáo viên chắc cũng biết mỗi tuần, có giáo viên phải soạn giáo án đến hàng chục bài dạy…
Trong khi, theo hướng dẫn của công văn này đã yêu cầu bắt buộc giáo viên phải làm Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án) cụ thể từng mục tiêu, phương pháp, sản phẩm dự kiến, các bước thực hiện của từng hoạt động…Mỗi tiết dạy cũng phải đến cả gần chục trang giấy khiến giáo viên khiếp đảm.
Trong khi, chương trình mới đang triển khai đến các cấp học, có nhiều thứ giáo viên còn bỡ ngỡ mà chỉ riêng việc soạn giáo án đã chiếm mất phần lớn thời gian của người thầy thì họ còn đâu hứng khởi để giảng dạy trên lớp nữa?
Thứ tư: giáo viên cần Bộ lắng nghe và thấu cảm về hồ sơ, sổ sách, kế hoạch, thủ tục hành chính hiện nay đang còn rất nhiều bất cập, hình thức. Nhiều loại hồ sơ in ra chỉ để phòng khi bị kiểm tra, nhiều loại sổ sách chỉ là cho đúng thủ tục…
Thứ năm: trước các sự cố giáo dục thì lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành đừng nên né tránh trách nhiệm, đừng đẩy áp lực về phía giáo viên như chuyện dạy học VNEN, mua sách giáo khoa đầu năm, lạm thu ở một số nhà trường…
Thứ sáu: giáo viên cần được tôn trọng trong công việc, cần được bảo vệ trong mọi sự cố. Nhiều khi giáo viên bị phụ huynh vào trường gây áp lực, thậm chí dùng vũ lực trong trường học nhưng gần như mọi việc đều…giảng hòa.
Trong khi, chỉ cần giáo viên nóng giận lỡ tay đánh học trò vi phạm, to tiếng với học trò, hoặc xử lý học trò không khéo là bị xử lý kỷ luật, chuyển công tác khác, cho thôi việc vì lãnh đạo sợ…áp lực dư luận.
Thứ bảy: giáo dục cần sự chung tay của xã hội, của phụ huynh học sinh. Xã hội kỳ vọng, phụ huynh mong muốn học sinh học giỏi, chăm ngoan thì đừng quá khắt khe với đội ngũ người thầy. Nhà trường cũng cần có nội quy, cần phải xử lý kỷ luật học sinh khi các em vi phạm. Nhân văn nhưng phải có tính răn đe (nếu cần thiết) thì học sinh mới trưởng thành.
Giáo dục chỉ thật sự thành công, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi mà “tướng- sĩ” một lòng vì giáo dục. Họ có môi trường làm việc tốt, họ được tôn trọng, họ có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Và, hơn hết là mọi người, mọi nhà chung tay vì giáo dục nước nhà chứ một mình cá nhân Bộ trưởng hay đội ngũ nhà giáo thì rất khó…!
Rất nhiều việc đang chờ Bộ trưởng ở phía trước. Thuận lợi có, khó khăn cũng nhiều nên rất cần tài năng, sự khéo léo để chèo lái “con thuyền” giáo dục theo đúng tâm nguyện, ước vọng mà thầy Bộ trưởng đã tỏ bày trong bức tâm thư của mình.
(Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bay-nguyen-vong-giao-vien-de-dat-len-bo-truong-nguyen-kim-son-post216981.gd?fbclid=IwAR25X0-uHrIHZzRyVODDBn5unemO506y9Z33hLi1tEQ5EvED1rkbkYyHauM)