Các con học sinh thân mến, HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe và tương lai nòi giống con người. Đại dịch HIV/AIDS còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Đến nay, vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi HIV/AIDS Vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS một cách hiệu quả.
I. HIV/AIDS là gì?
– HIV là một chữ viết tắt của “loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người”.
– AIDS là chữ viết tắt của “hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải” ở người
– AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư…
II. Triệu chứng
Có 04 giai đoạn nhiễm HIV:
1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ)
Kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác).
2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng
Từ 5 đến 7 năm cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm (+) dương tính.
3. Giai đoạn cận AIDS
Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm (+) dương tính.
4. Giai đoạn AIDS Biểu hiện các triệu chứng sau:
– Sút cân
– Sốt, tiêu chảy, ho kéo dài
– Xuất hiện nhiều bệnh như: ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân…
- Người bệnh tử vong
III. Các con đường lây truyền HIV/AIDS
1. Quan hệ tình dục với người mắc HIV
2. Đường máu
- Dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm HIV
- Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện.
3. Từ mẹ sang con Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm.
IV. Cách phòng tránh
1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục Người trưởng thành phải có lối sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng.
2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu
– Không tiêm chích ma túy.
– Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
– Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu..
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.
– Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…
3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
Cuối cùng, HIV/AIDS là một căn bệnh không phải chỉ những người “xấu”, người dính vào tệ nạn xã hội mới bị nhiễm, mà tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV nếu không thực hiện các hành vi an toàn. Tuy HIV- AIDS là căn bệnh nguy hiểm và có thể lây bệnh nhưng không phải tất cả mọi tiếp xúc xã hội với người bệnh đều khiến ta mắc bệnh. Vì vậy, chúng ta không nên thể hiện thái độ kỳ thị để người bệnh có thể lạc quan điều trị và chung sống an toàn với xã hội.